Trang

Thứ Hai, 27 tháng 9, 2010

Hoạt động kinh tế biển Nha Trang

LỜI NÓI ĐẦU
            “Thưc địa”-  là hai từ mà lâu nay đã quen với nhưng sinh viên khoa địa lý. Đây là một môn học ngoài trời nhưng không thể thiếu được trong việc đào tạo nhưng sinh viên địa lý của Trường Đại học Sư phạm- Đại hoc Đà Nẵng. Bởi vì, thông qua thực địa sinh viên có thể nhìn tận mắt, sờ tận tay những vấn đề địa lý mà trước đây chúng tôi chỉ biết qua qua sách vở và các nguồn thông tin đai chúng.    Những chuyến đi thực địa làm cho sinh viên hiểu hơn về đất nước, con người, phong tục của đất nước mình, từ đó làm tăng thêm lòng yêu quê hương, đất nước.   Thiết thực hơn, trong môn học này thông qua chuyến thực địa sinh viên sẽ nắm được những kĩ năng như: Thu thập số liệu, xử lý số liệu, xem xét địa hình, thổ nhưỡng, thủy văn… cũng như sự phân bố của các khu công nghiệp, sự bố trí dây chuyền sản xuất hay những vùng chuyên canh cây công nghiệp…ở mỗi vùng lãnh thổ.
Mỗi chuyến thực địa qua đi còn làm cho sinh viên có tinh thần tập thể, ý thức tự giác, kỷ luật đặc biệt đó là sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, giúp nhau cùng học hỏi để tiến bộ hơn. Như vây,  không ai có thể phủ nhận vai trò to lớn của môn thực địa ngoài trời. Cho nên vừa qua, được sự đồng ý của Đại học Đà Nẵng-Trường Đại học Sư Phạm- Khoa Địa Lý, chúng tôi gồm 44 sinh viên lớp 07CDL dưới sự hướng dẫn của Thầy Nguyễn Duy Hòa và Cô Hoàng Thị Diệu Huyền đã thực hiện chuyến đi thực tế vào phía Nam thành công. Mục đích chuyến đi của chúng tôi là tìm hiểu, tham quan các mô hình sản xuất công nghiệp, sự phát triển, phân bố của các ngành sản xuất, các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi…của nước ta ở các tỉnh phía Nam để minh họa cho những kiến thức đã được học trong sách vở.
Với những gì đã thu lượn được ngoài thực địa, cộng với kiến thức đã được học tôi viết nên bài thu hoạch ngày hôm nay. Mặc dù đã có sự chuẩn bị nhưng chắc chắn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong được sự góp ý, bổ xung của thầy cô và các bạn!
Tôi xin chân thành cảm ơn!
PHẦN NỘI DUNG
1. Khái quát về tỉnh Khánh Hòa
            Khánh Hoà là tỉnh ven biển nằm ở cực đông của Việt Nam, với 200 km bờ biển ở phía Đông nằm ở tọa độ địa lý: 12058'28" vĩ độ Bắc; 109023'24" kinh Ðông. phía Bắc giáp tỉnh Phú Yên, phía Nam giáp tỉnh Ninh Thuận, phía Tây giáp Đắk lắk và Gia Lai. Nằm giữa hai thành phố lớn là thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, là các trọng điểm phát triển kinh tế của cả nước. Trung tâm tỉnh lỵ Nha Trang cách thành phố Hồ Chí Minh 400 km.
Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là: 5.197 km2. Dân số: 1.135.000 người (2006). Các đường giao thông quan trọng nằm trên địa bàn tỉnh như quốc lộ 1A, đường sắt, đường hàng không và đường biển. Hệ thống sông ngòi chính trên địa bàn là sông Cái Ninh Hoà, dài 52,8km, lưu vực 830km3; sông Cái Nha Trang dài 83km, lưu vực 1.843km3. Khánh Hòa có Thành phố Nha Trang và Các huyện, thị: Thị xã Cam Ranh, huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Lâm, Trường Sa. Phần lãnh hải có hệ thống đảo, đặc biệt là huyện đảo Trường Sa, có vị trí rất quan trọng về kinh tế, quốc phòng của cả nước.
Địa hình của tỉnh Khánh Hoà tương đối phức tạp, thấp dần từ Tây sang Đông với những dạng địa hình núi, đồi, đồng bằng, ven biển và biển khơi. Phần phía Tây là sườn đông dãy Trường Sơn, chủ yếu là núi thấp và đồi, độ dốc lớn và địa hình bị chia cắt mạnh. Tiếp đến là dạng địa hình núi thấp, đồi thấp xen kẽ bình nguyên và thung lũng, thỉnh thoảng có núi đá chạy ra sát biển chia cắt dải đồng bằng ven biển thành những vùng đồng bằng nhỏ hẹp. Có 8 cửa lạch, 10 đầm, vịnh, 2 bán đảo và trên 200 hòn đảo lớn, nhỏ với nhiều hình thù khác nhau.
Khánh Hoà luôn chan hòa ánh nắng, nhiệt độ trung bình hàng năm 26oC, lượng mưa trung bình hàng năm từ 1200-1800mm. Khí hậu có hai mùa rõ rệt: mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 8); mùa mưa (từ tháng 9 đến tháng 12), chỉ kéo dài khoảng hơn hai tháng.
Khánh Hòa có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, đặc biệt tài nguyên biển có nhiều loại hải sản quý hiếm có thể khai thác, nuôi trồng, chế biến xuất khẩu với khối lượng lớn, có yến sào, là nguồn nguyên liệu đặc biệt để xuất khẩu và bào chế các sản phẩm bổ dưỡng quý hiếm cho con người.
Ðiều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, lịch sử văn hóa đã đem đến cho tỉnh Khánh Hòa một tiềm năng lớn để phát triển du lịch, dịch vụ. Nha Trang- Khánh Hòa hiện được xác định là một trong 10 trung tâm du lịch - dịch vụ lớn của cả nước. Vào tháng 6/2003, vịnh Nha Trang được công nhận là Thành viên chính thức của Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới.
* Chú thích

   Vạn Ninh       Cam Lâm       Khánh Sơn         Cam Ranh

   Ninh Hòa      Nha Trang       Diên Khánh       Khánh Vĩnh    Trường Sa

Sơ đồ Tỉnh Khánh Hòa
2. Thành phố Nha Trang
                      Sau gần một ngày trên chặng đường dài từ cổng trường Đại học Sư pham- Đại học Đà Nẵng đến khoảng 17h45’, đoàn chúng tôi đã đặt chân xuống thành phố biển xinh đẹp Nha Trang thuộc tỉnh Khánh hòa. Nói đến Nha Trang ở bài viết này tôi chỉ xin phép được đề cập vấn đề: “Hoat động kinh tế biển Nha Trang”
2.1. Đôi nét về Thành phố Nha Trang- Khánh Hòa
Thành phố Nha Trang có diện tích: 251km2dân số: 337.803 người. Thành phố Nha Trang nằm trong một thung lũng núi vây 3 phía Bắc - Tây - Nam và tiếp giáp với bờ biển về phía Đông. Sông Cái Nha Trang và sông Cửa Bé chia Nha Trang thành 3 phần, gồm 27 xã, phường:  Phía Bắc sông Cái gồm các xã Vĩnh Lương, Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc và khu vực Đồng Đế gồm các phường Vĩnh Phước, Vĩnh Hải, Vĩnh Hoà, Vĩnh Thọ. Phía Nam sông Cửa Bé là xã Phước Đồng với địa danh "Chiến khu Đồng Bò" và một vùng lý tưởng cho du lịch trong tương lai là rừng dừa sông Lô.  
Trung tâm Nha Trang nằm giữa hai con sông, gồm khu vực nội thành với các phường Xương Huân, Vạn Thanh, Vạn Thắng, Phương Sài, Phương Sơn, Ngọc Hiệp, Phước Tiến, Phước Tân, Phước Hoà, Tân Lập, Lộc Thọ, Phước Hải, Phước Long, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên và các xã ngoại thành phía tây gồm Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thái, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung.
Nha Trang có 19 hòn đảo, với trên 2.500 hộ và khoảng 15.000 người sống trên các đảo. Đảo lớn nhất là Hòn Tre rộng 36km2 nằm che chắn ngoài khơi khiến cho vịnh Nha Trang trở nên kín gió và êm sóng. Nha Trang cách Thủ đô Hà Nội 1.278km, cách thành phố Hồ Chí Minh 448km, Cố đô Huế 630km, Phan Rang 105km, Phan Thiết 260km, Cần Thơ 620km.
Nha Trang có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng và là một trung tâm du lịch lớn của cả nước. Ở Nha Trang có nhiều trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, các trường cao đẳng, trường day nghề, các trung tâm triển khai các tiến độ kỹ thuật chuyên ngành đã biến nơi đây thành một trung tâm khoa học - đào tạo của cả vùng Nam Trung bộ.
Đặc sản nổi tiếng của Nha Trang là yến sào. Tất cả các đảo có chim Yến đến đều nằm trong địa phận Nha Trang. Các danh lam thắng cảnh ở Nha Trang có Tháp Bà Ponagar, Hòn Chồng, Hòn Đỏ, Đảo Yến, Hòn Nội, Hòn Ngoại, Hòn Miếu, Hòn Tre, Hòn Tằm, Hòn Mun, Hòn Lao, Hòn Thị, Sông Lô, bãi Tiên, đảo Ngọc Thảo, đồi La-San, biệt thự  Bảo Đại, chùa Long Sơn, tượng Kim Thân Phật Tổ, hồ cá Trí Nguyên, Thuỷ cung, chùa Đá Hang, đảo Khỉ Cù lao...
Vịnh Nha Trang là một trong số 29 vịnh trên thế giới được câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất trên thế giới xếp hạng và chính thức công nhận vào tháng 7/2003. Cùng với vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang là vịnh thứ hai của Việt Nam được xếp vào hàng danh dự này.
2.2. Hoạt động kinh tế Biển Nha Trang
Nói đến Nha Trang là nói đến Biển, Biển của Nha Trang là một tài sản vô giá mà thiên nhiên dành tặng cho thành phố này. Biển đã mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế cho thành phố Nha Trang. Ở Nha Trang, Hoạt Động kinh tế biển diễn ra chủ yếu ở các mặt sau:
2.2.1. Ngành du lịch biển- đảo  Nha Trang
Nha Trang nổi tiếng với các hoạt động du lịch biển- đảo với nhiều bãi biển đẹp, nhiều hòn đảo thơ mộng. Nơi đây còn được biết đến như một thành phố của lễ hội: Festival Biển, Hoa hậu Hoàn Vũ 2008, Hoa hậu Thế giới 2010,… Các bãi biển đẹp của thành phố này đã biến nơi đây trở thành một danh lam thắng cảnh thu hút khá nhiều du khách đến nơi đây. Nha Trang có khí hậu ôn hòa, giao thông thuận lợi cả về đường thủy, đường bộ, đường hàng không và đường sắt. Đặc biệt ở Nha Trang có nhà ga lớn nhất trong tuyến đường sắt Bắc Nam của Việt Nam. Nha Trang với điều kiện thiên nhiên ưu đãi cả về vị trí, cảnh quan thiên nhiên, khí hậu, cùng với nền tảng về lịch sử và nhân văn tạo dựng nên một Nha Trang có khả năng phát triển nhiều loại hình du lịch đa dạng đặc biệt là du lịch biển- đảo. Ở phần này xin phép chỉ đi sâu vào hai địa điểm mà đoàn đã tham quan là đảo Vinpearl land và Viện Hải Dương Học.
a. Du lịch Hòn Ngọc Việt- Vinpearl Land
Vinpearl land nằm trên hòn đảo lớn và đẹp nhất vịnh Nha Trang. Vinpearl land được khánh thành vào tháng 12/2003, với tổng diện tích trên 150ha và 700m bãi biển tự nhiên, đây là khu du lịch, nghỉ mát cao cấp 5 sao lớn nhất Việt Nam. Với 500 phòng nghỉ các tiêu chuẩn khác nhau. Vinpearl Land như một viên ngọc trai lấp lánh gắn trên vương miện của nữ hoàng biển khơi. Chỉ sau 5 - 7 phút chạy ca nô ngắm biển, hay 13 phút thưởng ngoạn toàn cảnh Nha Trang từ cáp treo Vinpearl, tuyến  cáp treo vượt biển dài nhất Thế giới; du khách đã được đặt chân tới Vinpearl Land - Hòn Ngọc Việt.
Bản đồ đảo Vinpearl land

Nằm ở phía bắc của đảo Hòn Tre, tựa lưng vào núi Ðàm Mông và hướng ra vịnh Nha Trang, Vinpearl Land là khu liên hợp du lịch giải trí 5 sao, đẳng cấp quốc tế, nhưng sự tiện nghi và hiện đại của nơi này không hề làm mất đi vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ của một hòn đảo ngọc, nằm giữa vùng vịnh biển đẹp vào loại nhất thế giới.
Vinpearl Land vừa mang phong cách hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc. Nếu như, nét phương Tây hiện đại được sử dụng chủ đạo trong kết cấu nội thất, cung cách, hình thức phục vụ, vận hành… thì nét phương Đông truyền thống ở đây chính là những mái nhà cong vút trên nền trời, những nếp ngói hoặc mái lều với chất liệu tranh tre truyền thống, trong một không gian làng quê Việt Nam yên bình.
Vinpearl land nhìn từ cáp treo
- Hệ thống Cáp treo Vinpearl land

Cáp treo Vinpearl Land - kỳ quan trên vịnh Nha Trang
Hệ thống cáp treo Vinpearl Land được xây dựng là nhằm nối đất liền với đảo Hòn Tre, nơi có tổ hợp du lịch giải trí biển đảo đa chức năng Vinpearl Land. Hệ thống cáp treo Vinpearl Land  nhằm mang lại cho mọi đối tượng khách du lịch và khách hàng một cảm giác hạnh phúc trong kỳ nghỉ trên đảo và mang đến cho tỉnh Khánh Hoà một kỳ quan có một không hai. Với hệ thống cáp treo vượt biển này, khách du lịch đến với Nha trang, Việt Nam sẽ có có hội nhìn ngắm thành phố và phong cảnh vịnh Nha Trang từ độ cao 60 mét so với mặt nước biển. Với 9 cột trụ (07 trụ trên biển và 2 trụ trên bờ) có hình dáng và cấu trúc giống tháp Effel, được thắp sáng bằng laser và đèn trang trí vào ban đêm, cáp treo Vinpearl Land giúp du khách đi lại giữa Thành phố Nha trang và Khu du lịch giải trí Vinpearl Land trên đảo Hòn Tre. Ngồi trong cabin từ độ cao lý tưởng của cáp treo, du khách được chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố Nha Trang xinh đẹp với những bãi biển uốn lượn ôm gọn lấy thành phố biển, cũng như được ngắm nhìn cảnh đẹp tựa thiên đường của Vịnh Nha Trang, 1 trong 30 vịnh biển nổi tiếng và đẹp nhất thế giới với những góc nhìn mới lạ, hấp dẫn.  Thực tế là, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, Cáp treo Vinpearl Land đã trở thành một thương hiệu - sản phẩm du lịch đặc biệt của Khu Du lịch & Giải trí Vinpearl Land nói riêng và của tỉnh Khánh Hòa nói chung. Cùng với Tháp bà Ponarga, Khu bảo tồn sinh thái biển Hòn Mun, Cáp treo Vinpearl Land đã trở thành một trong những biểu tượng của Du lịch Nha Trang - Khách Hòa.  Trong năm 2008 vừa qua, số lượng du khách trong nước và quốc tế đến với Nha Trang – Khánh Hòa là khoảng 1,2 triệu lượt người, đã có đến hơn 800 nghìn người (chiếm gần 70%) đến nghỉ dưỡng và tham quan Khu Du lịch & Giải trí Vinpearl Land. Hầu hết du khách đều sử dụng cáp treo Vinpearl là phương tiện di chuyển và chiêm ngưỡng vịnh Nha Trang trước khi lên đảo, chính điều này đã nói lên thành công và sức quyến rũ của cáp treo Vinpearl Land.
 - Sân khấu nhạc nước
Với sức chứa hơn 5000 chỗ ngồi và sân khấu có thể chuyển động là nơi biểu diễn ca nhạc, nghệ thuật lớn, âm thanh, ánh sáng tuyệt hảo, hiện đại. Hàng đêm, quý khách đều có thể đến và thưởng thức chương trình biểu diễn nhạc nước với sự hỗ trợ của ánh sáng laser vô cùng độc đáo. Với vị trí tuyệt đẹp cùng cơ sở hạ tầng được đầu tư hiện đại, đây luôn được lựa chọn là địa điểm tổ chức các sự kiện văn hóa - xã hội lớn mang tầm quốc gia và quốc tế, như Hoa hậu Việt Nam năm 2006, Duyên dáng Việt Nam 16, Vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới Người Việt 2007, Phần Thi “Nữ hoàng Vinpearl – Miss Universe 2008… cùng nhiều chương trình lớn khác.

Sân khấu nhạc nước ở Vinpearl land
            Bên cạnh đó, tại Khu biểu diễn nghệ thuật ngoài trời còn thường xuyên phục vụ màn trình diễn nhạc nước miễn phí. Thời gian hoạt động hàng ngày từ 19h00 - 19h30.
- Thủy cung Vinpearl
Với diện tích trên 3,400m2, Thủy cung Vinpearl là một đại dương thu nhỏ với hơn 300 loài cá đẹp, quý hiếm và lạ mắt được chia theo các vùng khí hậu khác nhau trên thế giới: Khu sinh vật biển vùng khí hậu Bắc châu Á, Khu sinh vật biển vùng khí hậu Nam châu Á, Khu sinh vật biển vùng khí hậu Amazon, Khu sinh vật biển vùng khí hậu Duyên Hải…

Thủy cung Vinpearl
Khi tham quan Thủy cung Vinpearl, du khách sẽ được di chuyển bằng thang cuốn trong một đường hầm dưới đáy biển được thiết kế rất công phu để tạo cảm giác hấp dẫn, kỳ bí. Trong các không gian trưng bày, có rất nhiều loài cá đẹp, quý hiếm và lạ mắt được Vinpearl Land nhập về từ nhiều nước và lần đầu tiên có tại Việt Nam. Thủy cung Vinpearl được đầu tư xây dựng theo các công nghệ hiện đại, đạt các yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ của Thế giới cho hoạt động của thủy cung. Toàn bộ khuôn viên Thủy cung là 1 một khối nhà 2 tầng bọc vỏ giả. Ưu thế vượt trội của thủy cung Vinpearl ở chỗ, nó là một hệ thống công nghệ nuôi khép kín, và có một đường hầm dẫn du khách tham quan, hiện đại và đẹp mắt.
Cho đến nay, Thủy cung Vinpearl vẫn đang giữ kỷ lục là Thủy cung lớn nhất Việt Nam.
- Khu trò chơi ngoài trời
Bao gồm những trò chơi cảm giác mạnh và độc đáo được ứng dụng từ công nghệ của Đức, Argentina, Ý…
 
Trò chơi ngoài trời
Mang đến cho quý khách sự thoả mãn mong muốn được chinh phục, khẳng định sự gan dạ và lòng dũng cảm. Với các trò chơi như: Đu quay cảm giác mạnh, Đu quay dây văng, Đu quay thú nhún, Đu quay con voi Xe đạp bay, Tàu hải tặc, Tàu lượn cao tốc, Đu quay vòng xoay, Thành phố vui nhộn, Xiếc thú, Sân khấu tạp kỹ… 
- Khu trò chơi trong nhà
Nằm trong lòng một núi giả nhân tạo với cụm chiếu phim 4 chiều sẽ đưa du khách ngược về quá khứ, khám phá lịch sử của con người và thiên nhiên hoang dã. Du khách sẽ có cơ hội gần gũi, vui chơi với những chú khủng long khổng lồ qua hình ảnh phim 4 chiều của Công viên giải trí Vinpearl. Tại đây còn có khu trò chơi điện tử với các trò chơi thế giới ảo như: Phim 4 chiều; Xe đụng; Vườn cổ tích; Thiên đường trẻ em ;Siêu thị game; Phòng Karaoke…
  
  






 

 

 

Khu trò chơi trong nhà
- Công viên nước
Những du khách yêu thích các trò chơi dưới nước sẽ hài lòng tuyệt đối với Công viên nước Vinpearl. Đây là công viên nước ngọt bên bãi biển đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam rộng hơn 60.000m2, mở ra hai thế giới: vui nhộn sống động với các làn trượt cảm giác mạnh hoặc thư thái với bãi biển tinh khiết cát trắng phau dài 450m. Du khách vừa có thể thư giãn trên bãi biển cát trắng dài, vừa có thể tham gia các hoạt động vui chơi sôi động tại Công viên nước. Hệ thống các trò chơi tại đây được chia thành các khu vực như khu trò chơi mạo hiểm như:  Đường trượt nhiều làn đặc biệt; Lỗ đen vũ trụ; Cảm tử quân; Rơi tự do; Sóng thần; Phao bay; Phao bay vượt dốc, khu trò chơi gia đình và khu trò chơi nước dành cho trẻ em như: Máng trượt thân người; Ống đen; Máng trượt nhóm gia đình . Ngoài ra còn có: Hồ tạo song, Dòng sông lười, Bãi tắm Sandsilk, Nhà hàng Vịnh Xanh, Shop Thế giới nước
  
  

 
  
 
  
 



Công viên nước ở Vinpearl land
- Phố mua sắm
Lấy cảm hứng từ sự thanh bình, thơ mộng của phố cổ Hội An, Phố Mua sắm Vinpearl được thiết kế nhằm tô điểm cho Vinpearl một không gian đậm đà màu sắc truyền thống mà vẫn tinh tế, hiện đại, tạo cảm hứng mua sắm của Quý khách khi dạo bước nơi đây. Phố mua sắm có tổng diện tích hơn 6.000 m2 với các gian hàng sang trọng có diện tích từ 24 - 160m2. Sản phẩm chủ yếu được bày bán trong Phố mua sắm là trang sức sang trọng và độc đáo; thời trang công sở, trang phục dạo phố, đi biển, sarong nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới, các đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo, các vật lưu niệm, trang trí đặc sắc và các đặc sản truyền thống từ khắp các làng nghề, vùng quê Việt Nam.
- Làng ẩm thực
Làng ẩm thực nằm trải dài bên bờ biển với con đường lát đá tự nhiên kỳ công dẫn đến hai nhà hàng mang phong cách khác nhau và đội ngũ đầu bếp chuyên nghiệp bao gồm: nhà hàng Vinpearl Seafood chuyên phục vụ các món hải sản tươi sống từ đại dương bao la và nhà hàng Vietnam Food với các món ăn đậm đà hương vị truyền thống dân tộc. Làng ẩm thực sẽ là một điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích không khí yên bình, trong lành và lãng mạn; vừa thưởng thức những hương vị ẩm thực đặc trưng vừa hít căng lồng ngực và thư giãn với gió biển mặn mòi...
 
Làng ẩm thực ở Vinpearl land
- Event Hall
Với quy mô gần 1500 chỗ ngồi cùng các trang thiết bị hiện đại, âm thanh, ánh sáng tối tân nhất, được đặt tại vị trí eo núi hướng ra biển, phía trước là một quảng trường rộng có hệ thống đèn laser công suất lớn, gần bến cảng cano... Trung tâm hội nghị và biểu diễn đa năng đẳng cấp quốc tế của VINPEARL LAND là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị - văn hóa nghệ thuật tầm cỡ, như: Hội nghị cấp bộ trưởng và thứ trưởng ngành tài chính - du lịch, nằm trong khuôn khổ Hội nghị APEC tháng 10/2006, Vòng chung kết Sao mai 2007, Đêm thi và trao giải phần thi đặc biệt cuộc thi hoa hậu trái đất 2007, Đêm Chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam…
 
 
Event Hall
b. Viện Hải Dương Học
Viện Hải dương học Nha Trang là một viện nghiên cứu đời sống động thực vật hải dương tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. Viện Hải dương học được người Pháp thành lập năm 1922, được xem là một trong những cơ sở nghiên cứu sớm nhất ở Việt Nam và là nơi có bộ sưu tầm các hiện vật về cuộc sống hải dương lớn nhất Đông Nam Á. Ở đây có lưu trữ 20.000 mẫu của 4000 loài động thực vật biển. Ở đây có trưng bày những loại động vật quý hiếm như bò biển (dugong), bộ xương cá voi khổng lồ. Viện Hải dương học Nha Trang không những là một viện nghiên cứu mà còn là điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách yêu thích sinh vật biển.
Ảnh toàn đoàn tại Viện Hải Dương Học- Nha Trang
Viện Hải Dương Học nằm trên một khu đất cao ráo, rộng rãi tại số 1, Cầu Đá, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Nói đến Viện Hải Dương Học, người ta không thể không nhắc đến một bộ phận hữu cơ của nó là bảo tàng Hải Dương Học.
   
Các loài cá được nuôi ở Viện hải dương học
Hiện nay, bảo tàng Hải Dương Học được tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng và phát triển thành một quần thể liên hoàn bao gồm các bể nuôi sinh vật biển phục vụ nghiên cứu, tham quan cũng như giáo dục cộng đồng, và một hệ thống nhà lưu trữ mẫu sinh vật biển lớn nhất nước. Có rất nhiều mẫu vật đã được gửi đến nhiều phòng thí nghiệm khác nhau ở nước ngoài, nhiều bảo tàng. Đến tham quan bảo tàng, ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hàng trăm loài sinh vật biển nhiệt đới, khách tham quan còn có thể xem xét tìm hiểu hơn 10.000 loài sinh vật ở biển Đông đang được lưu trữ. trên thế giới.
Bộ mẫu sinh vật biển bao gồm các loài hiện hữu ở biển Việt Nam, Campuchia và các vùng nước lân cận, trong đó có các loài thú biển quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng như Bò biển (Dugong).
 
Đặc biệt, bảo tàng đang lưu giữ, bảo quản trưng bày bộ xương cá voi khổng lồ dài gần 26m, cao 3m đã bị chôn vùi trong lòng đất ở đồng bằng sông Hồng ít nhất hơn 200 năm. Đây thực sự là một di vật lịch sử tự nhiên vô cùng quý giá.
  
Mẫu vật trong Viện Hải Dương Học
Bảo tàng còn giới thiệu với du khách các đặc điểm tự nhiên của vùng biển Đông, giới thiệu những khoáng sản, tài nguyên quý giá, những cảnh quan môi trường vùng biển ven bờ, các hệ sinh thái giàu có như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển - để lưu ý nhắc nhở mọi người hãy nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường, nguồn lợi vì lợi ích của con cháu mai sau. bảo tàng Hải Dương Học đang trở thành trung tâm trưng bày giới thiệu và giáo dục truyền thống chinh phục khai thác và bảo vệ biển Đông của người Việt.
            Đây thực sự là một trung tâm di sản văn hóa biển rất đáng quý, cần phải bảo quản và phát triển. Mới đây, Viện được bình chọn là một trong 10 điểm du lịch lịch sử văn hóa hấp dẫn đạt danh hiệu “Điểm du lịch được hài lòng năm 2005”. Sắp tới, Viện sẽ khai trương khu công nghệ cao thuần hóa sinh vật biển, nhằm phục vụ cho chính sách phát triển kinh tế biển Việt Nam. Hy vọng rằng du khách sau khi tham quan khu vực này sẽ nảy sinh nhiều ý tưởng mới cho việc kinh doanh, tạo ra những sản phẩm mới cho du lịch…
            Ngoài ra ở đây còn có khu lưu trữ các sinh vật biển, nó như một phòng triển lãm khổng lồ về sinh vật biển
 
Khu lưu trữ các sinh vật biển
Qua việc tìm hiểu, chúng tôi còn biết thêm các thông tin về hiện trạng sinh vật biển ngày nay. Dưới sự tác động của cong người ngày càng mạnh mẽ dẫn đến  nguy cơ nhiều loài sinh vật biển quý hiếm sẽ bị tuyệt chủng. Đó có thể là thảm họa đe dọa cuộc sống con người và môi trường biển. Sự hấp dẫn của các sinh vật biển sẽ thu hút khách du lịch tham quan đến Nha Trang. Đặc biệt đối với những ai thích khám phá thế giới đại dương. Chúng ta hãy cùng chung tay để bảo vệ nguồn tài nguyên vô giá nay.
2.2.2.  Ngành đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản Nha Trang
Biển Nha Trang là một trong những vùng biển giàu tiềm năng cho việc nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản của nước ta. Cùng với các ngành kinh tế khác, Ngành đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản Nha Trang có vai trò nhất định trong nền kinh tế và trong đời sống hàng ngày của người dân nói riêng. Tầm quan trọng của nó thể hiện ở việc tham gia vào cơ cấu bữa ăn với thực phẩm có chất lượng cao về dinh dưỡng, đóng góp vào nền kinh tế, tạo ra mặt hàng xuất khẩu và góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động trong xã hội.
 
Ngành đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản Nha Trang
Vịnh Nha Trang có diện tích mặt biển khoảng 40.000 ha, có đặc điểm tiếp giáp với vùng biển khơi, nơi kết hợp các dòng hải lưu, vành đai của vùng nước trôi nên vùng biển Nha Trang thường đón nhận nhiều luồng cá nổi, cá di cư. Bên cạnh đó, vịnh Nha Trang còn là vùng biển đa dạng về quần cư, trong đó chủ yếu là rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn… đã tạo nên tính đa dạng sinh học cao với nhiều hệ sinh thái đặc trưng. Theo khảo sát của Viện Hải dương học, trong vùng vịnh đã ghi nhận được trên 350 loài san hô tạo rạn, trong đó có 40 loài mới được ghi nhận gần đây. Trong khu vực vịnh có trên 600 loài thủy sản khác nhau, trong đó có 222 loài cá rạn san hô, 120 loài thân mềm, 70 loài giáp xác, 30 loài da gai, 248 loài rong và 7 loài cỏ biển được xác định.
Trữ lượng thủy sản trong vịnh chiếm khoảng 30% tổng trữ lượng toàn tỉnh, khoảng 35.000/120.000 tấn, trong đó lượng cá nổi chiếm khoảng 70%. Hiện nay, TP. Nha Trang có 3.140 tàu thuyền đánh bắt thủy sản, trong đó khai thác trong khu vực vịnh trên 2000 chiếc, số còn lại đánh bắt ở các ngư trường ngoài tỉnh. Các nghề đánh bắt trong vịnh Nha Trang gồm lưới cản, nghề câu, vây rút chì, mành trủ, lưới quét… sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 10.000 tấn, chiếm 40% tổng sản lượng khai thác.
Tuy nhiên, tàu có công suất dưới 20CV có tới 1.246/3.140 chiếc, chiếm khoảng 40%; tàu có công suất trên 90CV chỉ được 471/3.140, chiếm 15%. Chính vì thế, tình trạng khai thác quá mức nguồn lợi ven bờ là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, việc đánh theo hướng hủy diệt bằng các nghề cấm như giã cào, chất nổ, xung điện… nên nguồn lợi trong khu vực vịnh đang bị đe dọa nghiêm trọng. Ngoài ra, do sự phát triển của cảng biển, phát triển du lịch cùng việc phát triển thêm nhiều công cụ đánh bắt đón đầu các đàn cá di cư nên sản lượng đánh bắt trong khu vực vịnh giảm hơn nhiều so với những năm trước đây. Do vậy, thời gian gần đây một lượng lớn các giống hải sản đã được thả xuống hai khu vực Đầm Bấy và Hòn Tằm (vịnh Nha Trang) nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản trong vịnh gồm 400.000 tôm PL; 6.000 cá chẽm; 4.000 cá bớp và 4.000 cá ngựa do Viện Hải dương học, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III cùng một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến hải sản trong tỉnh đóng góp nhằm khôi phục lại môi trường tự nhiên của vịnh.
Cùng với khai thác, nghề nuôi trồng thủy sản trong khu vực vịnh Nha Trang cũng phát triển mạnh trong những năm gần đây. Qua khảo sát, trong khu vực vịnh có khoảng 367 hộ ngư dân nuôi trồng thủy sản với 9.347 ô lồng, tập trung chủ yếu ở các khu vực Hòn Miếu, Vũng Ngán, Bích Đầm, Đầm Bấy, Hòn Một. Các  loài nuôi chính là tôm hùm, cá biển, ngọc trai… và một số loài đang được phát triển như tu hài, bào ngư, hải sâm, vẹm xanh. Đến thời điểm này, do dịch bệnh trên con tôm hùm chưa được xử lý dứt điểm, người dân chỉ dám nuôi cầm chừng với công suất khoảng 50% số lồng hiện có, tương ứng với khoảng 4.600 ô lồng, trong đó cá biển chiếm khoảng 30% số ô lồng đang nuôi.
Theo dự án quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản vùng mặt nước vịnh Nha Trang đến năm 2015, tổng diện tích mặt nước được sử dụng nuôi khoảng 62,5 ha trên hiện trạng 78,3 ha, giảm 15,8 ha; tổng số lồng bè quy hoạch 3.518 lồng/232 bè với 221 - 232 hộ nuôi. Theo quy hoạch này, số diện tích, ô lồng và đối tượng nuôi đều giảm đáng kể. Tuy nhiên, các đối tượng nuôi không chỉ tập trung vào con tôm hùm; cá mú; ngọc trai; cua; ghẹ; rong sụn như những năm trước đây mà còn được đầu tư phát triển đa dạng, nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như cá bớp; hải sâm; bào ngư; cá khoang cổ đỏ, cá chẻm, cá chim…
Mặt khác, không gian nuôi không chỉ bó hẹp vào dải đất ngập nước ven biển, mà còn tập trung khai thác không gian mặt nước lớn ven biển, sử dụng đúng với tiềm năng hiện có của chúng. Đây cũng là giải pháp bền vững để bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực vịnh Nha Trang. Tuy nhiên, một số bộ phận cư dân không nhỏ đang sinh kế trong khu vực vịnh lại gặp không ít khó khăn trong chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo…Song song với giảm thiểu nuôi trồng, ngành nông nghiệp đang khuyến khích người dân chuyển đổi các nghề khai thác gần bờ sang đánh bắt xa bờ. Theo đó, giúp ngư dân những kinh nghiệm về trình độ khai thác xa khơi, ngư trường, cách tổ chức khai thác theo hướng công nghiệp.
Thực hiện các mô hình liên kết để đào tạo một lực lượng lớn lao động lành nghề trên biển, tiếp cận và vận hành được nhiều trang thiết bị khai thác hiện đại, nâng cao trình độ kỹ thuật khai thác và công tác quản lý cho ngư dân. Qua đó, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trực tiếp khai thác trên biển và một số lớn lao động làm dịch vụ. Công nghiệp chế biến thuỷ sản của Nha Trang cũng rất phát triển.Các cơ sở chế biến đông lạnh với công suất 42 tấn/ngày và hệ thống kho lạnh có thể bảo quản được 900 tấn. Ngành công nghiệp này đưa vào chế biến khoảng 55-60% sản lượng thuỷ sản đã khai thác, trong đó chế biến xuất khẩu 15-20%. Mặt hàng chế biến ngày càng phong phú và đa dạng như tôm, mực, vi cước cá, bóng cá, cua, ghẹ, sò, điệp….Ở đây chủ yếu tập trung các cơ sở chế biến hiện đại, còn các cơ sở chế biến thủ công, quy mô vừa và nhỏ tập trung ở các vùng lân cận.
Trong tương lai, nếu được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ nguồn vốn, quan tâm bảo vệ môi trường nước biển trong vịnh không bị ô nhiễm và tìm được đầu ra ổn định cho con tôm hùm thì chắc rằng nghề này sẽ còn đóng góp lớn hơn cho quê hương miền biển này.
2.2.3. Ngành vận tải biển Nha Trang
Ngành vận tải đường biển Nha Trang đóng một vai trò rất lớn trong nền kinh tế Biển của Nha Trang. Cảng đón vai trò vô cùng quan trọng trong ngành vận tải biển của Nha Trang. Nếu như năm 2002, có 2.270 lượt tàu với tổng trọng tải hơn 7,1 triệu DWT, Hàng Hóa Thông Qua (HHTQ) đạt gần 2,7 triệu tấn, Hành Khách Thông Qua (HKTQ) hơn 6.500 lượt thì năm 2006 có 3.422 lượt tàu với tổng trọng tải hơn 11,2 triệu DWT, đạt gần 3,6 triệu tấn, đạt hơn 19.000 lượt. Năm 2007, dự kiến có 3.672 lượt tàu với tổng trọng tải đạt hơn 11,3 triệu DWT, HHTQ đạt hơn 4,2 triệu tấn, HKTQ đạt 20.000 lượt. Nhờ đó, các nguồn thu ở cảng, hoa tiêu, bảo đảm hàng hải và đóng góp cho ngân sách của ngày một lớn hơn.
Nếu như năm 2002, tổng 3 nguồn thu này đạt hơn 9,5 tỷ đồng gần 4,2 tỷ đồng thì năm 2006, tổng 3 nguồn thu đạt hơn 16 tỷ đồng; năm 2007, Cảng Nha Trang (CNT) dự kiến thu được gần 20 tỷ đồng; 5 năm 2002- 2006 và dự kiến cả năm 2007 CNT đóng góp vào ngân sách Nhà nước hơn 24 tỷ đồng.
Cảng Nha Trang
Qua 15 năm được thành lập Cảng Nha Trang đã phát triển mạnh mẽ. Đồng thời cũng đánh dấu sự hình thành và lớn mạnh của các cảng biển tại khu vực Khánh Hòa- Ninh Thuận. Ngoài 3 cảng cũ: cảng Nha Trang, cảng Ba Ngòi, cảng Hòn Khói được nâng cấp, mở rộng cầu tàu cho phép tiếp nhận tàu từ 3.000 - 4.000 DWT đến 15.000 - 30.000 DWT, một số cảng mới được đầu tư, hình thành và phát triển nâng tổng số cảng được công bố hiện nay lên 08 cảng và 01 khu chuyển tải dầu.Tất nhiên, không chỉ hoạt động cảng biển mà 15 năm ra đời của Cảng Nha Trang cũng là giai đoạn đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế hàng hải trong khu vực. Nhà máy liên doanh sửa chữa đóng mới tàu biển Hyundai-Vinashin hình thành, đi vào hoạt động từ năm 2000 và ổn định hoạt động bắt đầu từ năm 2001 đến nay.
Hiện tại lượng tàu từ khắp nơi trên thế giới đến nhà máy Hyundai-Vinashin sửa chữa và hoán cải lên đến 120 chiếc/năm với cỡ tàu lớn nhất có thể tiếp nhận 400.000 DWT và thực tế thường xuyên tiếp nhận tàu cỡ lớn từ 30.000DWT đến 150.000 DWT; Khu chuyển tải dầu quốc tế Vân Phong hình thành và đi vào hoạt động từ năm 2002, hiện tần suất hoạt động khoảng 12 chuyến/năm. Cảng Nha Trang và cảng Ba Ngòi có sự đầu tư nâng cấp và phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng để nâng cao năng lực tiếp nhận tàu và xếp dỡ hàng hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương cũng như khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Hiện nay giai đoạn đầu tư xây dựng của 02 cảng này đã kết thúc ở giai đoạn I, cảng Nha Trang đã có thể tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải thiết kế đến 20.000DWT, cảng Ba Ngòi có thể tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải thiết kế đến 30.000DWT.
Để bảo đảm an toàn tuyệt đối hoạt động hàng hải ngày càng sôi động trong khu vực, Cảng Nha Trang đã tổ chức tốt công tác trực ban hàng hải 24/24 giờ, tăng cường chế độ kiểm tra hàng ngày tình hình trật tự vệ sinh cầu bến, việc neo đậu của các tàu thuyền ở vùng nước cảng, hoạt động của các phương tiện thủy nội địa qua lại trên tuyến luồng ra vào các vùng nước cảng; giám sát chặt chẽ hoạt động chuyển tải dầu tại khu vực vịnh Vân Phong.
Đồng thời, Cảng Nha Trang luôn triển khai thực hiện việc kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn hàng hải (ATHH) đối với luồng tàu, các trang bị báo hiệu hàng hải, trang thiết bị cầu bến, phương tiện lai dắt hỗ trợ tại cảng theo quy định, nhắc nhở kịp thời đối với các doanh nghiệp cảng nhằm có kế hoạch sửa chữa, củng cố và khắc phục các khiếm khuyết một cách thích hợp, bảo đảm điều kiện an toàn công trình cảng trong quá trình khai thác.
Cảng Nha Trang đã làm được nhiều việc lớn. Cảng Nha Trang đã góp phần quan trọng trong việc hình thành và phát triển các cảng biển tại địa phương; đảm bảo ATHH và phòng ngừa ô nhiễm môi trường vùng nước các cảng trong khu vực Khánh Hòa và Ninh Thuận; hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cảng biển, dịch vụ hàng hải và kinh tế biển địa phương phát triển; đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước”.

PHẦN KẾT LUẬN
Kinh tế biển Nha Trang là điểm mạnh nhất về kinh tế của thành phố này. Với nhiều hoạt động kinh tế mang tính đặc thù, kinh tế biển Nha Trang đã và đang đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế của của thành phố Nha Trang nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung.
Chuyến thục địa của tỉnh phía Nam của lớp chúng tôi đã kết thúc, nhưng qua đó đã để lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc khác nhau về những nơi chúng tôi đã đặt chân tới. Trong hành trình lần này, điểm làm tôi cảm thấy thú vị và lưu luyến nhất chính là Vinpearl land đó là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của cả nước và cũng nằm trong các ngành kinh tế biển của Nha trang.
Một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn Ban giám hiệu Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng, Ban chủ nhiệm khoa Địa Lý. Đặc biệt, em muốn nói lời cảm ơn sâu sắc nhất tới cô giáo Hoàng Thị Diệu Huyền và thầy Nguyễn Duy Hòa đã đồng hành cùng chúng em trên suốt chặng đường. Một lần nữa, xin kính chúc quý thầy cô sức khỏe, hạnh phúc và công tác tốt!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét